Tối 11-5, tại Quảng trường Nhà hát TP Hải Phòng đã diễn ra Lễ khai mạc Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng lần thứ II. Đây là hoạt động trọng điểm của Năm Du lịch Quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng năm 2013. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước; các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và hàng nghìn du khách đã về dự.
Còn nhiều việc phải làm
Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 là cơ hội tốt để đánh giá, chuẩn hóa, đa dạng hóa, khác biệt hóa các sản phẩm du lịch chủ lực mang đậm bản sắc văn hóa và thiên nhiên rừng, biển, đảo của Hải Phòng và các địa phương khu vực Đồng bằng sông Hồng. Đây cũng là cuộc vận động lớn của TP Hải Phòng góp phần tạo sự đồng thuận, làm chuyển biến nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân về vị trí, vai trò của ngành du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đồng bằng sông Hồng là nơi có nhiều di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, danh lam thắng cảnh, lễ hội dân gian và tài nguyên du lịch biển, du lịch sinh thái - nhân văn hết sức phong phú, đa dạng. Du lịch của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung và tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế phát triển, du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng chúng ta cần phấn đấu, nỗ lực, sáng tạo nhiều hơn nữa để đạt mức tăng trưởng cao hơn. Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 là cơ hội cho cả vùng tổng kết và đề ra phương hướng nhằm phát huy thế mạnh, tạo sự đột phá để du lịch thực sự phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương, TP Hải Phòng và các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng cần tiếp tục chủ động phối hợp phát huy tốt nội lực và các lợi thế về bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, đồng thời tranh thủ có hiệu quả sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè trong nước và quốc tế để từng bước khẳng định tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nói riêng và cả vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung là trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của cả nước, có ngành du lịch phát triển. Trước mắt là tổ chức thành công các hoạt động trong Chương trình Năm Du lịch quốc gia 2013. Chính quyền các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng cần thực hiện các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển bền vững; tăng cường thu hút đầu tư; khai thác hợp lý các tiềm năng, giữ gìn môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh, an toàn du lịch; chú trọng xây dựng văn hóa, văn minh du lịch, khuyến khích mỗi người dân và mỗi khách du lịch có trách nhiệm cùng chung tay xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững.
Trước lễ khai mạc, các đường phố chính, khu trung tâm TP Hải Phòng được trang trí cờ phướn, lô-gô, pa-nô quảng bá hình ảnh Đồng bằng sông Hồng. Công phu nhất là việc tổ chức Lễ hội đường phố trong Lễ khai mạc với gần 2.500 người tham gia. Với chủ đề “văn minh sông Hồng”, chương trình Carnival độc đáo đã thể hiện qua 4 khối trình diễn: “Dòng chảy văn minh sông Hồng”, “Miền lễ hội”, các đoàn nghệ thuật quốc tế và “Lời mùa phượng đỏ”. Trong đó, ấn tượng nhất là khối trình diễn “Miền lễ hội” với các nhóm xe hoa mô hình, các diễn viên diễu hành để làm biểu tượng cho 15 lễ hội nổi tiếng của vùng Đồng bằng sông Hồng là: Lễ hội chùa Keo (Thái Bình), Lễ hội Gióng (Hà Nội), Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (Hưng Yên), Lễ hội Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng). . . Lễ khai mạc còn trở nên vui tươi với chương trình nghệ thuật chào mừng gồm 13 cảnh tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của nền văn minh sông Hồng.
Phát triển du lịch bền vững
Hải Phòng đã tận dụng cơ hội đăng cai Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng 2013 để chỉnh trang đô thị và dự án đầu tư nâng cấp dải trung tâm thành phố là một công trình trọng điểm. Đây chính là điểm nhấn về không gian đô thị của TP Hải Phòng, tạo địa điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, thu hút khách du lịch nước ngoài. Việc chỉnh trang đô thị không chỉ đem lại cho người dân sở tại một cuộc sống tốt hơn mà cũng tạo sự ấn tượng đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Với bề dày văn hóa cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thật khó hiểu khi du lịch Hải Phòng ít khi nằm trong kế hoạch thiết kế các tour, tuyến du lịch của các công ty lữ hành. Gần như toàn bộ lớp tầng văn hóa đồ sộ, đa dạng từ đình chùa miếu mạo, kiến trúc cổ, lễ hội, ẩm thực, văn hóa dân gian đến lịch sử thương cảng lớn nhất miền Bắc và cả những danh nhân đã bị lãng quên trong nhiều năm phát triển du lịch. Với lợi thế sẵn có và tranh thủ cơ hội đăng cai Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng 2013, du lịch Hải Phòng đang quyết tâm làm mới chính mình theo hướng tập trung trọng tâm và bền vững.
Hành động thiết thực nhất của du lịch Hải Phòng là đang đổi mới các sản phẩm du lịch để thu hút khách đến với quần đảo Cát Bà. Năm 2004, Cát Bà đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới tiêu biểu cho hệ sinh thái biển, đảo, sự đa dạng của hệ sinh thái nhiệt đới, cận nhiệt đới; sự đa dạng của hệ sinh thái quần đảo đá vôi lớn nhất châu á. Quần đảo này sở hữu nhiều loài động thực vật quý hiếm trong đó có nhiều loài đã được đưa vào sách đỏ của Việt Nam và thế giới, đặc biệt là loài voọc đầu trắng Cát Bà. Với một hệ thống cơ sở lưu trú khá phát triển, Cát Bà được xác định là điểm đến quan trọng của Hải Phòng trong Năm Du lịch quốc gia lần này.
Khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa một cách hợp lý rõ ràng sẽ tạo ra những điểm nhấn mới cho du lịch Hải Phòng bên cạnh thế mạnh du lịch biển sẵn có của địa phương để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách. Trong năm 2013, mục tiêu của khu du lịch Cát Bà sẽ đón khoảng 1,5 triệu du khách, trong đó 1/4 là du khách quốc tế.
Huyện đảo Cát Hải cũng đang tính đến việc khai thác thêm những nét văn hóa địa phương để tạo ra những tour du lịch văn hóa đặc trưng để thu hút nhiều hơn du khách đến với Cát Bà. Đây là hướng đi bền vững vì nó có thể chia sẻ nguồn thu du lịch với cộng đồng để chính cộng đồng làm du lịch chuyên nghiệp hơn.
Báo QĐND